Thứ Tư, 23/06/2021, 11:14
Tình trạng da nhạy cảm khiến các chị em lo lắng và tìm cách khắc phục không thua gì vấn đề da tiết nhiều dầu, mụn trứng cá hay sạm, nám. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề của da nhạy cảm dưới góc nhìn của bác sĩ và chuyên gia da liễu để biết xem bạn có thuộc nhóm da nhạy cảm, cần chăm sóc da như thế nào, dùng sản phẩm nào…?
Da nhạy cảm là loại da dễ bị kích ứng, căng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích, nóng ran… sau khi tiếp xúc với một thành phần cụ thể nào đó trong các sản phẩm như lotion, nước hoa… hoặc các tác nhân môi trường như: ánh nắng mặt trời, gió, thời tiết lạnh… Bởi vì da đã bị mất đi hàng rào bảo vệ trước sự tác động từ các yếu tố bên ngoài như thời tiết, môi trường thay đổi hay hóa chất trong mỹ phẩm.
Theo chuyên gia da liễu Melissa Piliang (chuyên gia chuẩn đoán các tình trạng da theo cấp độ phân tử) tại viện Cleveland: Loại da nào cũng nhạy cảm nhưng độ nhạy cảm của mỗi loại da lại khác nhau.
Còn theo bác sĩ da liễu Leslie Baumann: ”Da nhạy cảm được chia thành 4 loại khác nhau, nhưng chúng đều có một đặc điểm chung đó là bị viêm. Viêm da xảy ra khi các yếu tố viêm trong cơ thể kích thích các mạch máu giãn ra và các tế bào mast (dưỡng bào) giải phóng histamin”. Trong đó, các tế bào mast tập trung nhiều nhất ở những vùng da dễ bị tổn thương, gồm: mũi, miệng, bề mặt nội mô cơ thể và vì vậy mà chúng ta thường thấy các hiện tượng ửng đỏ, ngứa hay sưng phù ở những vùng này. Do đó những ai không may sở hữu làn da này luôn luôn phải cẩn trọng trong việc thử sản phẩm chăm sóc da mới hay trong những ngày thời tiết giao mùa.
Da nhạy cảm là làn da yếu nên rất dễ bị dị ứng. Tuy nhiên, da mặt bị dị ứng không đồng nghĩa da bạn là da nhạy cảm. Chúng ta có thể nhận biết da nhạy cảm bằng một số dấu hiệu như:
– Kết cấu da mỏng và chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các đường mạch máu bên dưới da.
– Làn da thường hơi căng và có cảm giác khó chịu.
– Thỉnh thoảng thấy hơi đau rát khi chạm tay vào.
– Dưới thời tiết lạnh da thường bị khô và phải bổ sung thêm nước.
– Mùa hè da bị nhờn vì tiết nhiều dầu.
– Dễ bị dị ứng khi ăn thực phẩm cay hoặc uống bia rượu.
– Da có thể bị các mảng mẩn đỏ và trong một số trường hợp rất khó mất đi.
– Tình trạng các vùng trên da mặt không đồng nhất, có vị trí bị khô và bong tróc.
– Da dễ dàng phản ứng với các loại sản phẩm chăm sóc da có thành phần hóa học.
– Da dễ bị mẩn ngứa ngay sau khi tiếp xúc với các loại hóa chất có khả năng gây kích ứng hay các loại vải thô, vải tổng hợp.
– Da dễ nổi mẩn đỏ và khô da sau khi tiếp xúc với nước nóng hoặc nước quá lạnh.
Căn cứ vào các đặc điểm trên đây bạn đã có thể biết được da của mình có nhạy cảm hay không. Nếu làn da của bạn thuộc loại da đặc biệt này thì việc tìm hiểu về cách lựa chọn mỹ phẩm và cách chăm sóc da nhạy cảm là vô cùng cần thiết.
– Các tác nhân bên ngoài hay sản phẩm chăm sóc da không phù hợp là nguyên nhân gây ra tình trạng nhạy cảm ở da. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến da trở nên nhạy cảm, dễ bị kích ứng là do hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, không đủ khỏe để bảo vệ làn da.
– Da của chúng ta được bao bọc bởi một lớp màng có tên là hydrolipid hay còn được gọi là lớp màng lipid bảo vệ da (protective fatty outer layer). Lớp màng này được cấu tạo từ nước, các chất béo (lipid) và tế bào sừng (keratin). Nhiệm vụ chính của màng lipid là duy trì độ ẩm cho da bằng cách ngăn chặn sự thoát hơi nước qua da và bảo vệ da tránh khỏi những tác nhân gây hại như tia UV, gió, nhiệt độ, hơi nóng và những loại hoá chất có thể làm tổn thương, kích ứng da, Ngoài ra, chúng còn bảo vệ da tránh khỏi sự “xâm nhập” của vi khuẩn.
– Người sở hữu làn da nhạy cảm, thường có lớp màng lipid mỏng và có xu hướng yếu hơn nên làn da dễ bị tổn thương. Từ đó tạo cơ hội cho những chất kích thích dễ dàng xâm nhập vào da, gây nên hiện tượng chung mà các loại da nhạy cảm thường gặp phải đó là xuất hiện những vết mẩn đỏ hoặc ngứa rát. Cũng do lớp màng lipid mỏng nên các hóa chất dễ thẩm thấu sâu vào da tạo nên nhiều phản ứng không mong muốn với các thành phần chăm sóc da. Mặt khác, khi lớp màng lipid bị suy yếu đồng nghĩa với việc độ ẩm dễ dàng thoát ra ngoài, vì vậy da bạn thường xuyên bị khô và độ nhạy cảm do đó ngày càng tăng.
– Nếu bẩm sinh da bạn không phải là da nhạy cảm thì nguyên nhân chính là do những tác động từ bên ngoài. Các tác động ngoại cảnh này khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu và các dây thần kinh bên dưới da dễ dàng bị kích thích dẫn đến da bạn bị nhạy cảm.
+ Tác động trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.
+ Môi trường không khí bị ô nhiễm khiến da bị ảnh hưởng.
+ Nhiệt độ thay đổi thường xuyên tác động xấu đến tình trạng da.
+ Khí hậu khô lạnh và khắc nghiệt làm da khô, bong tróc, lâu dần trở nên nhạy cảm.
+ Thường xuyên tắm hoặc rửa mặt bằng nước quá nóng hay quá lạnh.
+ Luôn trong tình trạng thiếu ngủ và căng thẳng, mệt mỏi.
+ Nội tiết tố trong cơ thể thay đổi.
+ Tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất gây hại cho da.
+ Cơ thể bị mất nước khiến da khô.
Để làm giảm độ nhạy cảm của làn da, mục đích quan trọng nhất trong quy trình chăm sóc da nhạy cảm là khôi phục lớp màng lipid bảo vệ da và đảm bảo những thao tác cũng như các sản phẩm chăm sóc da mà bạn sử dụng không làm tổn hại đến lớp màng này. Dưới đây là các lưu ý giúp da nhạy cảm tránh được tình trạng kích ứng:
#1. “Tẩy rửa” quá nhiều chính là kẻ thù lớn nhất của da nhạy cảm. Khi bạn thường xuyên rửa mặt và tẩy da chết vô tình sẽ làm tổn thương đến lớp màng bảo vệ và nhất là khi bạn có thói quen rửa mặt bằng nước nóng. Để cải thiện hãy sử dụng nước ấm hoặc nước lạnh và đảm bảo sữa rửa mặt bạn đang sử dụng thật sự dịu nhẹ cho làn da.
#2. Tránh sử dụng các sản phẩm có gốc acid, như salicylic acid. Nếu bị mụn, bạn có thể lựa chọn sản phẩm có chứa nồng độ acid thấp với các thành phần lành tính gồm tinh dầu tràm trà, trà xanh và than hoạt tính sẽ giúp làm dịu các nốt mụn đỏ, sưng viêm mà không làm tổn thương đến lớp lipid tự nhiên của da. Nhưng nếu bạn thuộc làn da quá nhạy cảm, bạn vẫn nên test sản phẩm trước khi sử dụng cho toàn bộ khuôn mặt.
#3. Việc sử dụng các sản phẩm làm sạch hoặc đặc trị thường ảnh hưởng đến lớp màng ẩm của da, bạn nên bổ sung thêm các loại kem dưỡng hoặc serum chứa thành phần có tác dụng củng cố và phục hồi. Bởi làn da nhạy cảm sở hữu lớp màng ẩm bảo vệ da đã bị tổn thương nên độ ẩm cũng dễ bị thất thoát. Thiếu hụt độ ẩm cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho các tác nhân kích thích xâm nhập vào da. Chính vì vậy, thành phần Hyaluronic Acid trở thành vị cứu tinh cho làn da nhạy cảm, nhờ vào khả năng giữ nước lên tới gấp 1000 lần trọng lượng phân tử của nó.
#4. Cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm có chứa hương liệu (Fragrances) kể cả khi đó là mùi tự nhiên hay mùi hương hoá học.
#5. Luôn luôn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm dành cho da nhạy cảm, hoặc phù hợp với cả làn da nhạy cảm, không chất tạo màu, không chứa hương liệu.
#6. Những ngày thời tiết thay đổi, nhiệt độ nóng lạnh thất thường sẽ ảnh hưởng nhiều đến những làn da đang bị chứng đỏ mặt (rosacea) – hiện tượng da bị sưng đỏ, bởi các mạch máu bị kích thích, giãn nở đột ngột. Tình trạng da này cần được làm dịu bằng các sản phẩm chứa thành phần làm dịu da như: Cúc La Mã (Chamomile), Trà xanh (Green tea), Panthenol (Vitamin B5), Hyaluronic Acid.
Chăm sóc da nhạy cảm không hề đơn giản đòi hỏi bạn cần phải lưu ý đến nhiều yếu tố hơn so với các loại da khác.
Nếu đó không phải mỹ phẩm bạn đã từng sử dụng, bạn sẽ rất khó biết được sản phẩm đó có khiến làn da nhạy cảm của bạn bị kích ứng hay không. Vì vậy, trước khi quyết định dùng một loại mỹ phẩm mới, bạn nên thoa thử một ít sản phẩm đó vào vùng da mỏng dưới cánh tay và theo dõi trong vòng 48 giờ. Nếu bạn thấy vùng da đó không có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào thì bạn có thể yên tâm sử dụng sản phẩm.
Các loại mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên (hữu cơ, sinh học) luôn tốt cho làn da nhạy cảm với đặc tính dễ kích ứng, nổi mụn… vì chúng không chứa bất kỳ thành phần hóa học nào, không gây bào mòn da nhưng vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăm sóc da này còn không có chất bảo quản hay chất tạo mùi hương.
Đây là một trong những bước rất quan trọng trong quy trình chăm sóc da, với da nhạy cảm cũng không ngoại lệ. Công đoạn này không chỉ làm sạch mà còn giúp da hấp thu tốt hơn dưỡng chất trong các bước sau.
Đối với da nhạy cảm dễ nổi mụn, bạn chỉ nên rửa mặt tối đa ngày 02 lần vào buổi sáng và buổi tối. Nếu rửa nhiều lần hơn sẽ chỉ khiến da bị khô và dễ kích ứng hơn.
Toner (hay thường được gọi với tên khác là nước hoa hồng) có tính năng làm mát da tự nhiên, se khít chân lông, cần bằng độ pH… Sử dụng toner hàng ngày sẽ giúp chị em ngăn ngừa lão hóa cho da hiệu quả hơn.
Chăm sóc da nhạy cảm không thể bỏ qua bước này. Bởi nếu da khô thì dễ các tác nhân bên ngoài ảnh hưởng hơn. Để cấp ẩm cho da nhạy cảm, bạn hãy xịt khoáng khi thấy da có biểu hiện khô và thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày.
Tia UV trong ánh nắng mặt trời là “kẻ thù” nguy hiểm nhất của tất cả các loại da không riêng nhạy cảm. Vì vậy trước khi đi ra ngoài, bạn hãy luôn nhớ thoa kem chống nắng cho da. Và khi chọn kem chống nắng, chị em nên ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý có thành phần titan dioxide hoặc oxit kẽm và có SPF từ 30 trở lên. Với da nhạy cảm thì kem chống nắng vật lý cũng phù hợp hơn kem chống nắng hóa học.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu thêm về da nhạy cảm và cách chăm sóc hiệu quả nhất dành cho da nhạy cảm.